Chat Facebook
Gửi tin nhắn cho chúng tôi
  • :
  • :
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh

Gắn đào tạo nghề với thực tiễn tại doanh nghiệp

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gắn đào tạo nghề với thực tiễn tại doanh nghiệp

Một thực trạng dễ thấy hiện nay đó là giáo dục cũng như giáo dục nghề nghiệp  còn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng nhân lực có tay nghề, có kỹ năng của doanh nghiệp. Đa số sinh viên ra trường thiếu hiểu biết thực tế và kỹ năng làm việc, khiến cho doanh nghiệp khi tuyển dụng thường xuyên phải đầu tư nguồn lực để đào tạo lại. Nhận biết được nhu cầu đó của doanh nghiệp, trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh đã gắn kết những lý thuyết đã học trong trường với môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế trong các doanh nghiệp cho các em sinh viên lớp CGKL 20 học nghề Cắt gọt kim loại chương trình chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Đức.

Những năm qua, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh áp dụng nhiều giải pháp tích cực nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Việc triển khai mô hình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn của Cộng hòa Liên bang Đức giúp trường từng bước tiệm cận với khung trình độ các trường trong nước, trong khu vực, giúp học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng, tay nghề, sớm có việc làm ngay khi tốt nghiệp.

Năm học 2022 – 2023, nhà trường thực hiện đào tạo nghề Cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn CHLB Đức được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phê duyệt, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ). Chương trình này được xây dựng bảo đảm cho sinh viên đủ năng lực thực hiện hoàn chỉnh một công việc, một khâu trong quá trình sản xuất và phát huy tính chủ động, sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, khả năng làm việc nhóm. Khi học đủ 12 module của chương trình, sinh viên sẽ được công nhận đạt tiêu chuẩn nghề CHLB Đức. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức là một trong hai trường tại Việt Nam đào tạo chương trình này.

Chương trình đào tạo nghề được thực hiện theo mô hình đào tạo kép hay đào tạo song hành. Với mô hình này, các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia với nhà trường vào quá trình đào tạo sinh viên. Các sinh viên sẽ có 30% thời gian học tập lý thuyết tại trường, còn 70% thời gian còn lại sinh viên sẽ được thực hành tại các doanh nghiệp. Sinh viên sau khi kết thúc thời gian đào tạo là 3 năm, có thể trở thành lao động nghề trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm cho doanh nghiệp mà không cần phải đào tạo lại.

Lớp CGKL 20 bắt đầu kỳ thực tập tại doanh nghiệp đầu tiên vào cuối tháng 3/2023, sau khi hoàn thành module 07. Các em được chia làm 2 nhóm thực tập tại 2 doanh nghiệp: 9 em thực tập tại Công ty TNHH UP Hà Tĩnh (Kỳ Anh) và 10 em thực tập tai Công ty TNHH Cơ khí Công nghiệp Đức Tài (Thạch Hạ). Trong quá trình học thực hành tại hai doanh nghiệp trên, các em sinh viên lớp CGKL 20 được doanh nghiệp hỗ trợ chi phí đi lại, ăn trưa,.. 150.000 – 180.000 đồng. Khoản hỗ trợ có thể tăng thêm ở các tháng tiếp theo theo chuyên môn và tay nghề của các em.

Nhóm sinh viên lớp CGKL 20 thực hành tại Công ty TNHH UP Hà Tĩnh

Đối với các em sinh viên, đây là dịp trải nghiệm hữu ích để bổ sung kinh nghiệm thực tế cho những kiến thức và kỹ năng đã lĩnh hội tại trường, làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp, cũng là cơ hội tiếp cận việc làm, rút ngắn thời gian tìm công việc phù hợp, … Sinh viên vừa được trang bị kiến thức “cứng” tại nhà trường vừa được doanh nghiệp trang bị kiến thức “mềm” thông qua các buổi huấn luyện và thông qua thực tế công việc. Có thể nói đây là mô hình kết hợp giữa kiến thức cứng và kỹ năng mềm cho người học một cách hiệu quả, không chỉ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng mà còn hình thành nên suy nghĩ và thái độ tích cực trong công việc, trong cuộc sống… Đam mê với nghề đã chọn, các em sinh viên lớp CGKL 20 đều cảm thấy thích thú trong suốt quá trình học tập, thực hành với sự giám sát, đánh giá của tổ giáo viên có chuyên môn, doanh nghiệp hợp tác và chuyên gia nước ngoài.

Sinh viên Nguyễn Đức Anh thực hành tại Công ty TNHH Cơ khí Công nghiệp Đức Tài

Đối với các doanh nghiệp hợp tác, việc tiếp nhận sinh viên thực hành, thực tập không chỉ mang ý nghĩa trách nhiệm xã hội mà còn nâng cao vị thế của doanh nghiệp trong cộng đồng, và hơn hết giúp họ tiết kiệm chi phí và thời gian tuyển dụng nhân sự và phát triển nguồn nhân lực.

 

Sinh viên Nguyễn Ngọc Nghĩa thực hành tại Công ty TNHH Cơ khí Công nghiệp Đức Tài

Về phía nhà trường, khi liên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, từ lập kế hoạch, đặt mục tiêu, xây dựng, triển khai đào tạo, đến đánh giá, kiểm định, cơ sở đào tạo sẽ có chương trình đào tạo sát với nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả và chất lượng đào tạo cũng như cơ hội việc làm cho học viên tốt nghiệp.

Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chương trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn của Cộng hòa Liên bang Đức rất nổi bật, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay. Chương trình này bắt đầu xây dựng từ chuẩn đầu ra. Do vậy, để phát triển chương trình này buộc phải gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Đây là điều mà Việt Nam đang hướng tới và muốn học hỏi từ chính những chương trình, dự án. Ông Vũ Xuân Hùng hy vọng, mô hình đào tạo sẽ tiếp tục được lan tỏa ra các trường đào tạo nghề khác ở trong nước để mở rộng chương trình đào tạo các nghề chất lượng cao, tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.


Tin khác

Giới thiệu

Thông báo